Thứ sáu, 18 Tháng 1 2013 19:04

Quan hệ Trung Hoa lục địa - Việt Nam - Đài Loan

  • QUAN HỆ

    TRUNG HOA LỤC ĐỊA - VIỆT NAM - ĐÀI LOAN

    TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VĂN HÓA

  • GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm

  • (Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp.HCM)

Trong lịch sử, miền Bắc Việt Nam là nơi cư trú chủ yếu của hai tộc Bách Việt là Âu Việt và Lạc Việt. Cho đến thời Tuỳ-Đường, văn hoá Bắc Việt Nam và vùng Hoa Nam vẫn rất gần gũi với nhau và khác xa văn hoá Trung Hoa miền Bắc. Có thể nói, văn hoá nông nghiệp lúa nuớc của người Hán và người Việt đã Hán hoá ở miền Nam Trung Hoa là cái gạch nối giữa hai khu vực văn hoá ấy. Xét theo chủ thể, văn hoá Đài Loan có gốc là Đông Nam Á và hiện nay chính là hậu duệ của văn hoá Bách Việt. Đài Loan vả Việt Nam đều có chung cơ tầng văn hoá Đông Nam Á và đều là hậu duệ của văn hoá Bách Việt, đều có quan hệ mật thiết với miền Nam Trung Hoa lục địa, trực tiếp là vùng văn hoá Hoa Nam. Văn hoá Đài Loan và Việt Nam có nhiều điểm rất gần nhau.

1. Việt Nam với Trung Hoa lục địa

Trong lịch sử, miền Bắc Việt Nam là nơi cư trú chủ yếu của hai tộc Bách Việt là Âu Việt và Lạc Việt. Tộc Âu Việt (Tây Âu) cư trú ở cả Hoa Nam và miền núi phía tây và bắc Việt Nam, còn tộc Lạc Việt thì chỉ có ở miền Bắc Việt Nam (chủ yếu là vùng đồng bằng). Vùng Lưỡng Quảng từng là đất thuộc quốc gia Nam Việt. Tk. I sCN, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Hán nổ ra ở Bắc Việt Nam được ủng hộ rộng rãi ở khắp cả vùng Hoa Nam, một phần Hoa Trung và Hoa Đông. Suốt thiên niên kỷ I sCN, trong khi ở Hoa Nam, người Việt địa phương vẫn chiếm ưu thế thì ở Việt Nam, người Việt luôn chống cự quyết liệt sự cai trị của người Hán và chống Hán hoá. Cho đến thời Tuỳ-Đường, văn hoá Bắc Việt Nam và vùng Hoa Nam vẫn rất gần gũi với nhau và khác xa văn hoá Trung Hoa miền Bắc.

Từ thời Tống trở đi, trong khi vùng Hoa Nam phải bắt đầu tiếp nhận những cuộc di dân ồ ạt của người Hán từ miền Bắc và bị Hán hoá với tốc độ nhanh hơn, thì Việt Nam lại đã giành được độc lập. Trên một số phương diện ở Việt Nam diễn ra sự giải Hán hoá, nhưng cũng chính do đã giành được độc lập rồi nên trên một số phương diện khác, người Việt Nam đã tự nguyện tiếp nhận văn hoá Hán, mà rõ rệt nhất là việc tiếp thu Nho giáo làm phương tiện tổ chức quốc gia và cai trị đất nước.

Tình trạng đó khiến cho giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Hán ở miền Nam Trung Hoa một mặt vẫn duy trì được những nét tương đồng (như lối ứng xử tinh tế, phong cách ẩm thực phù hợp với xứ nóng...) thì mặt khác cũng có nhiều nét dị biệt. Chẳng hạn như người Hoa Nam ven biển rất giỏi kinh doanh buôn bán, trong khi người Việt Nam thì cho đến tận gần đây vẫn rất ghét thương nhân; trong khi người Hoa Nam ở nước ngoài theo lý trí mà tổ chức thành cộng đồng Hoa kiều giúp đỡ nhau thì người Việt Nam ở nước ngoài chỉ kết thành những cộng đồng nhỏ theo tình cảm, giữa các nhóm không những không giúp mà có khi còn phá nhau.

Có thể nói, văn hoá nông nghiệp lúa nuớc của người Việt ở Việt Nam khác biệt rõ rệt so với văn hoá nông nghiệp khô và chăn nuôi của người Hán ở miền Bắc Trung Hoa; còn văn hoá nông nghiệp lúa nuớc của người Hán và người Việt đã Hán hoá ở miền Nam Trung Hoa là cái gạch nối giữa hai khu vực văn hoá ấy.

2. Đài Loan với Trung Hoa lục địa

Trước khi người Hà Lan đến chiếm Đài Loan vào năm 1624, cư dân bản xứ Đài Loan là những tộc người thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian), cùng họ với các tộc người ở miền Trung và Nam Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và nhiều đảo khác trong Thái Bình Dương. Các bộ tộc thổ dân Đài Loan đều có tục xăm mình giống người Việt cổ; tục ăn trầu, chơi đu... giống người Việt và các cư dân Đông Nam Á. Hiện nay người thổ dân Nam Đảo ở Đài Loan nói khoảng 12 thứ tiếng, họ sống rải rác chủ yếu ở các vùng núi và chỉ còn chiếm 1,7% dân số Đài Loan.

Năm 1661, tướng Trịnh Thành Công (Jeng Cheng-Gung) cùng số quân Minh còn sót lại đã chiếm Đài Loan từ tay Hà Lan, lập ra nhà Trịnh. Nhà Trịnh đã đem Nho giáo, chữ Hán và chế độ phong kiến Trung Hoa đến Đài Loan. Cũng từ đây, số dân đến Đài Loan từ Trung Hoa lục địa đã lấn át dân bản xứ. Nhà Thanh đến tiêu diệt nhà Trịnh vào năm 1683 và cai trị đến 1895. Kết thúc chiến tranh Trung-Nhật, Đài Loan trở thành thuộc địa của Nhật Bản trong các năm 1895-1945. Từ 1945 đến 2000, Đài Loan thuộc quyền của Quốc Dân Đảng.

Người Holo, hay Mân Nam, là những di dân đầu tiên đến Đài Loan vào thời nhà Trịnh (nửa sau tk. XVII) từ phía nam tỉnh Phúc Kiến (thuộc vùng Hoa Nam), trở thành tộc người đông dân nhất Đài Loan (chiếm 73,3%). Người Hakka (Khách gia) đến Đài Loan từ vùng bắc Quảng Đông và nam Phúc Kiến vào khoảng tk. XVIII, chủ yếu là dưới triều Thanh, hiện chiếm 12% dân số Đài Loan. Còn 13% là “người tỉnh khác” theo Tưởng Giới Thạch đến Đài Loan vào năm 1949 từ nhiều nơi khác nhau của Trung Hoa lục địa.

Ở Đài Loan, người Holo, Hakka và “người tỉnh khác” đều được gọi là “người Hán” và ngôn ngữ của họ đều được gọi là “tiếng Hán” để phân biệt với người bản xứ và các thổ ngữ [Wi-vun Taiffalo Chiung 2004: 21]. Song thực ra, người Holo là người Mân Việt, thuộc nhóm Bách Việt. Người Hakka (Khách gia) thường bị coi là di dân từ Bắc Trung Hoa xuống, nhưng các nghiên cứu gần đây của J. Norman (1988), Laurent Sagart (2002), và những người khác đã bác bỏ thuyết này và chứng minh rằng người Hakka đã có mặt từ cả ngàn năm trước ở phía nam sông Dương Tử, chủ yếu ở khu vực phía nam tỉnh Giang Tây, rồi từ đây họ đã di dân xuống bắc Quảng Đông. Tiếng Khách gia Hakka, tiếng Mân (Phúc Kiến) và tiếng Việt (Quảng Đông) đều có cùng một gốc Bách Việt mà J. Norman (1988) gọi chung là tiếng cổ nam Trung Hoa (Old southern Chinese), chúng đã có mặt ở đây từ rất lâu trước thời Hán [Nguyễn Đức Hiệp 2003: 42].

Nghĩa là, chỉ có 13% “người tỉnh khác” đến Đài Loan vào năm 1949 mới là người Hán thực sự. Như vậy, xét theo chủ thể, văn hoá Đài Loan có gốc là Đông Nam Á và hiện nay chính là hậu duệ của văn hoá Bách Việt.

3. Đài Loan với Việt Nam

Đài Loan vả Việt Nam đều có chung cơ tầng văn hoá Đông Nam Á và đều là hậu duệ của văn hoá Bách Việt, đều có quan hệ mật thiết với miền Nam Trung Hoa lục địa, trực tiếp là vùng văn hoá Hoa Nam.

Văn hoá của người Việt (Kinh) và một số tộc người ở Việt Nam vốn là một bộ phận của văn hoá Bách Việt nên đã có quan hệ với vùng văn hoá Hoa Nam từ xa xưa. Lại do phải thường xuyên đối đầu với phong kiến xâm lược Trung Hoa nên Việt Nam đã ý thức được về bản sắc văn hoá của mình từ rất sớm.

Do điều kiện địa lý biệt lập, Đài Loan đã bảo lưu được truyền thống văn hoá Nam Đảo (Austronesien) đến tận tk. XVII, và chỉ từ đây mới tiếp nhận văn hoá Bách Việt từ vùng Hoa Nam. Lại do di dân ồ ạt từ lục địa nên chỉ bắt đầu từ thời Nhật thuộc, người Đài Loan mới bắt đầu có ý thức về văn hoá và dân tộc của mình để phân biệt với người Nhật. Từ giữa thập niên 1980 đến nay, cùng với sự hình thành phong trào dân chủ và đảng Dân chủ Tiến bộ đối lập, phong trào Taibun (Đài Văn) tích cực cổ động cho việc phổ biến văn học bản xứ viết bằng Taigi (Đài ngữ - tiếng Mân Nam Holo). Những biến động chính trị từ 1996 và nhất là từ năm 2000 vừa là sản phẩm, vừa góp phần củng cố thêm ý thức về cội nguồn văn hoá.

Văn hoá Đài Loan và Việt Nam có nhiều điểm rất gần nhau.

Tài liệu trích dẫn

1. Nguyễn Đức Hiệp 2003: Đài Loan và cội nguồn Bách Việt. – Tập san “Tư tưởng Việt”, số 1-2003, tr. 36-49.

2. Wi-vun Taiffalo Chiung 2004: Oceanic Taiwan: History and Languages (Lịch sử và ngôn ngữ Đài Loan).

Nguồn: Trích từ báo cáo khoa học tại Hội thảo Quốc tế
“Thúc đẩy phát triển mối quan hệ Việt Nam và Đài Loan cả chiều rộng lẫn chiều sâu”,
tổ chức từ 22 đến 28 tháng 5-2006 tại Đại học Chinan (Đài Loan)