Thứ sáu, 06 Tháng 6 2014 15:15

Gặp gỡ và giao lưu với GS. Trần Ngọc Thêm: Tính cách văn hóa Việt trong phát triển và hội nhập

  • GẶP GỠ VÀ GIAO LƯU VỚI GS. TRẦN NGỌC THÊM: TÍNH CÁCH VĂN HÓA VIỆT TRONG PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

  • Thu Hà

  • (Bộ môn Báo chí, khoa Ngữ Văn,
    Trường ĐHSP - Đại học Đà Nẵng)

Những người yêu thích tìm hiểu văn hóa Việt Nam hẳn đều biết tới nhà văn hóa, nhà giáo, nhà khoa học Trần Ngọc Thêm, tác giả những công trình nghiên cứu có uy tín như Cơ sở văn hóa Việt Nam, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam… Đối với sinh viên các ngành xã hội, việc được gặp gỡ, giao lưu, trực tiếp lắng nghe GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm thuyết giảng là một may mắn lớn. Và cơ hội ấy đã đến với hơn 500 sinh viên bốn khoa: Ngữ Văn, Tâm lý học, Giáo dục Chính trị, Lịch sử khi lần đầu tiên Giáo sư đến với Nhà trường vào tối 10-6-2013.

 Giải mã cái tốt, cái xấu của con người, tính cách Việt Nam qua những sự kiện, vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục hiện nay dưới góc nhìn văn hóa là chủ đề khá thú vị, thu hút nhiều ý kiến, đóng góp, trao đổi hết sức thẳng thắn của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên trong buổi gặp gỡ, giao lưu chỉ diễn ra hơn 3 tiếng đồng hồ.


Buổi giao lưu thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên Nhà trường - Ảnh: K.Vương

Nên có cuốn sách “Người Việt Nam xấu xí”

Ba nội dung lớn được đề cập tới trong suốt cuộc nói chuyện là: Đặc trưng văn hoá Việt Nam; tính cách văn hoá Việt Nam; vấn đề văn hoá Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển (so sánh với văn hóa phương Tây và Đông Bắc Á)Đây là những nội dung mang tính cốt lõi, là nền tảng lí luận để giải mã hàng loạt các hiện tượng văn hoá trong quá khứ và hiện tại của Việt Nam. Đó là những vấn đề đã từng được ông đề cập đến trong các công trình nghiên cứu trước đây của mình. Tuy nhiên, tại buổi giao lưu, người nghe vẫn thấy thoả mãn, vỡ vạc ra nhiều điều khi mà những lí thuyết cổ điển được khai thác dưới những góc độ mới, mang những nét hấp dẫn mới và đầy tính triết lý không bao giờ cũ. Vì sao đường sá chúng ta cứ mở một cách tùy tiện? Vì sao chúng ta vẫn chưa có “văn hóa xin lỗi”? Vì sao mỗi lần cải cách cái gì đó lại là một lần phát sinh nhiều thứ, thậm chí tồi tệ hơn? Vì sao chúng ta tăng lương không đồng nghĩa với việc đánh giá đúng giá trị công sức của người lao động?

 
GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm tại buổi giao lưu tại Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN tối 10/6 - Ảnh: Thu Hà

     Đọc cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam, thấy tác giả có khiếu viết sách lôi cuốn nhưng cho đến khi trực tiếp được nghe Giáo sư giảng bài, nhiều học trò mới thực sự bị hấp dẫn trước cái duyên, cái hóm, cái tài của Thầy. Những kết luận khoa học được gợi ra từ trong chính chuyện làng, chuyện xóm, chuyện cơ quan, chuyện trường lớp,… Đặc biệt, Giáo sư cũng nhắc sinh viên chúng ta trong chuyện lai căng, sính ngoại “một cách ngây ngô” như: chuyện ăn, chuyện mặc, cách ứng xử sao cho có văn hóa của người tri thức Việt Nam. “Nhiều bạn cho rằng hằng ngày, mình tiếp cận khoa học công nghệ, thông tin là người có tác phong công nghiệp. Nhưng bạn để ý mà xem, chúng ta ngồi đọc tờ báo vẫn bỏ hai chân lên ghế hoặc ngồi học trong thư viện vẫn nói to, xả rác,.. Đó là tác phong của xã hội nông nghiệp”, Giáo sư phân tích.

Vậy nên, đây cũng là điều không khó giải mã những câu hỏi mà chúng ta nêu ở trên. “Đó là do văn hóa “trọng tình”- văn hóa nông nghiệp, nảy sinh hậu quả “tư duy nhiệm kỳ”. Chừng nào chúng ta nghĩ chúng ta là “thiên thần” thì chúng ta không chấp nhận thói xấu của mình. Chúng ta cần có và “đọc” cuốn Người Việt Nam xấu xí”, Giáo sư tiếp lời.

Giáo dục con người Việt Nam thành con người “cá nhân”

Trong muôn vàn câu chuyện văn hóa, trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đối với đời sống xã hội, ắt hẳn chúng ta không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng của nó trong lĩnh vực giáo dục – nơi hình thành, nuôi dưỡng những “nhân cách” văn hóa tương lai. Bên lề buổi giao lưu là những câu chuyện thực tế nhỏ mà không nhỏ. "Một đồng nghiệp của tôi từng ca thán: Mình rất vất vả khi chỉ ra những khuyết điểm của từng sinh viên và thấy được điểm mạnh của chúng, đồng thời luôn đòi hỏi cao khi giao một bài tập hoặc nhiệm vụ liên quan nào đó. Thế nhưng, chúng thốt lên một câu: So với mặt bằng chung thì lớp em có nhiều đứa tệ hơn cô à! Có lẽ đó là một trong những dấu hiệu của căn bệnh trầm kha mà không phải lỗi của sinh viên rồi? Nên tôi rất đồng tình với GS. Thêm khi ông cho rằng: Giáo dục Việt Nam có vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc hình thành con người mới thế nhưng ở góc độ nào đó, những gì ta làm có thể đang hỏng toàn diện” - Một vị giảng viên tại buổi giao lưu tâm đắc.

Vậy đâu là hướng khắc phục căn bản? “Đó là do cách thức dạy của chúng ta có vấn đề. Chúng ta lâu nay vẫn dạy học trò chúng ta trở thành con người “cộng đồng” chứ không phải là con người “cá nhân”. Đó là sai lầm lớn. Hãy hình thành ở học trò chúng ta mỗi người là một bản lĩnh. Chính chúng ta đối diện với chúng ta thì mới tự hoàn thiện được, mới phát triển bền vững được, chứ không phải cứ a dua, hòa cả làng mà khá lên được”, GS phân tích thêm.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề văn hóa rất thời sự như: có nên “nhập” ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam với Tết Dương lịch của người phương Tây hay không? Từ xa xưa, chúng ta có bị đồng chủng, đồng văn bởi văn hóa Trung Quốc không? Nên lấy hoa sen hay cây tre Việt Nam làm biểu tượng cho con người Việt Nam?.v.v. Và bên dưới Hội trường vẫn không ngớt những cách tay xin được trao đổi, bàn luận. “Tôi thật sự ấn tượng với các bạn bởi những câu hỏi, ý kiến, trao đổi rất hay và thú vị”- GS Thêm nói.

Chia sẻ cảm nhận này, PGS.TS Lưu Trang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN cũng rất phấn khởi: “Qua buổi nói chuyện hết sức thân mật, cởi mở, với sự am hiểu tinh tường, đầy tâm huyết và còn đó những trăn trở của GS.VS.TS.Trần Ngọc Thêm, Nhà trường muốn gửi gắm đến các bạn sinh viên một thông điệp: Tất cả chúng ta phải tự thay đổi suy nghĩ, nhận thức, thay đổi tư thế của một con người tri thức mới để hoàn thiện mình hơn trong con đường hội nhập và phát triển của thế giới”.

Và trong mối quan hệ tương quan giữa các nền văn hóa, cụ thể là giữa văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Tây, văn hóa Đông Bắc Á và một số văn hóa khác “không có văn hóa nào tốt hơn văn hóa nào, không có văn hóa nào cao hơn văn hóa nào” (theo Trần Ngọc Thêm) nhưng chúng ta cần nhìn nhận, phân tích một cách thẳng thắn những ưu, nhược điểm của nền văn hóa nước nhà để chúng ta hòa nhập chứ không bị hòa tan trong các miền văn hóa ấy. Vậy chăng, đó cũng là cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đúng nghĩa.

 
 PGS.TS Lưu Trang, Phó Hiệu trưởng Nhà trường (bìa phải) tặng hoa chúc mừng GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Ảnh: Thu Hà

   Mời các bạn truy cập những nguồn tài liệu mới sau để tiếp tục tìm hiểu, giải mã nhiều điều thú vị:

- Website: vanhoahoc.vn (thuộc bản quyền của Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM).

- Sách: Những vấn đề văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (Trần Ngọc Thêm)

- Sách: Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (Trần Ngọc Thêm chủ biên)

Vài nét về lý lịch khoa học của GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm

Sinh ngày: 19/1/1952.

Quê quán: Hiền Đa, Cẩm Khê, Phú Thọ.

*1968-1969: Là sinh viên khoa dự bị đại học tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Minsk (Liên Xô, nay thuộc Bielorussia)

* 1969-1974: Là sinh viên ngành Ngôn ngữ học toán học thuộc Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad (Liên Xô, nay là Sankt-Peterburg, Nga)

* 1975-1984: Là cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

1984-1987: Là nghiên cứu sinh Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad (Liên Xô, nay là Sankt-Peterburg, Nga).

* Tháng 11-1987: Ông bảo vệ Luận án PTS Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad (luận án PTS này đã được đề nghị Hội đồng học vị tối cao Liên Xô (BAK CCCP) cho phép đặc cách bảo vệ lại để lấy bằng Tiến sĩ khoa học).

* Tháng 10-1988: Ông bảo vệ Luận án TS khoa học Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad (sau khi được BAK CCCP thẩm định và cho phép).

* 1991: Ông được Hội đồng Chức danh Nhà nước phong hàm Phó giáo sư.

* 11-1999: Ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga

* Tháng 11-2002: Ông được Hội đồng Chức danh Nhà nước phong hàm Giáo sư.

     Ông hiện là giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực Văn hóa học Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học- Đào tạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Nguồn tin:

Website Trường ĐHSP - Đại học Đà Nẵng