Thứ hai, 10 Tháng 12 2012 15:45

GS. Trần Ngọc Thêm: Duyên nợ với văn hóa Việt Nam

  • GS.TSKH TRẦN NGỌC THÊM:

    DUYÊN NỢ VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM

  • Văn Mạnh

    Bài đăng trên báo Giáo dục Tp. Hồ Chí Minh,
    số ra ngày 4-9-2009, http://www.giaoduc.edu.vn

Hiện nay, khi nhắc đến văn hóa Việt Nam người ta thường nhắc đến GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm một trong những người đã có công đưa môn Cơ sở văn hóa Việt Nam vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. 

Thầy Thêm cũng là người có nhiều công trình lớn nghiên cứu về văn hóa. Hơn 30 năm qua, thầy đã dốc sức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu văn hóa Việt Nam tới những người quan tâm về văn hóa trong nước và quốc tế.

“Cuộc đời tôi là một chuỗi tình cờ”

“Thời nhỏ đi học tôi cũng bình thường như bao bạn bè, có khác chăng là tôi khá quậy phá; còn con đường đến với văn hóa Việt Nam cũng thật tình cờ chứ tôi không có ý định nghiên cứu về nó. Nhưng đến hôm nay, tôi cho đó là cái duyên cũng vừa là cái nợ mà tôi phải trả, vì tôi vốn được sinh ra từ mảnh đất Vua Hùng dựng nước” - GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm tâm sự. 

Từ khi còn nhỏ thầy Thêm đã nuôi ước mơ theo nghề hội họa, bởi thầy mê vẽ và vẽ rất đẹp, nhưng rồi sự nghiệp của thầy lại chuyển sang một hướng khác khi thầy được cử đi du học ở Nga với ngành kinh tế công nghiệp. Sau đó thầy được xếp vào học ngành ngôn ngữ toán. Tuy không đam mê các ngành trên nhưng thầy luôn đạt thành tích học tập rất tốt vì ý thức được trách nhiệm và niềm tin của Nhà nước khi gửi thầy đi du học. Thầy bảo: “Vào những thập niên 60-70, ngành ngôn ngữ toán là ngành rất “hot” vì việc ứng dụng máy tính điện tử đã bắt đầu phát triển ở một số nước phương Tây. Cần phải thực hiện một công việc khổng lồ là mô hình hóa và hình thức hóa toàn bộ tri thức về ngôn ngữ để máy tính điện tử có thể đọc, hiểu và dịch các văn bản”.

Năm 1975, tốt nghiệp về nước với kết quả học tập 5 năm liền toàn điểm ưu. Thế nhưng điều kiện lúc ấy máy tính chưa được phổ biến ở nước ta nên thầy không tiếp tục chuyên môn đã học mà về công tác tại bộ môn ngôn ngữ toán học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Công trình khoa học lớn nhất của thầy trong giai đoạn này chính là việc xây dựng ngành ngữ pháp văn bản ở Việt Nam. Năm 1980, ở tuổi 29, mới chỉ có trong tay tấm bằng cử nhân, thầy đã được mời đi giảng dạy về ngữ pháp văn bản tại nhiều trường Đại học Sư phạm, từ Việt Bắc đến Quy Nhơn. Năm 1985, cuốn sách Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việtcủa thầy được Nhà xuất bản KHXH ấn hành và cho đến nay được tái bản 3 lần. Năm 1989, những kết quả về ngữ pháp văn bản của thầy được đưa vào chương trình sách giáo khoa tiếng Việt dành cho học sinh phổ thông.

Nhiều sinh viên chưa bao giờ được học thầy, được tiếp xúc với thầy nhưng nhắc đến GS. Trần Ngọc Thêm là họ nhớ đến công trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” mà hiện nay nhiều trường cao đẳng, đại học trong cả nước dùng làm giáo trình giảng dạy chính. Chuyển sang nghiên cứu văn hóa lại là một ngã rẽ nữa mà như lời thầy nói “cuộc đời tôi là một chuỗi tình cờ”. 

Vì niềm đam mê văn hóa

Thầy tâm sự: “Tôi vốn sinh ra trong cái nôi văn hóa Việt Nam - lớn lên trên mảnh đất Vua Hùng dựng nước. Tuổi thơ được nghe mẹ hát ru, nghe bà kể chuyện cổ tích, theo anh chị đi hát trống quân, hát quan họ; được học những trang lịch sử hào hùng của dân tộc… tất cả những kỉ niệm đó đã thấm đậm trong máu thịt, hơi thở suốt đời tôi, làm tôi trở nên yêu nền văn hóa quê hương mình sâu sắc”. Vì vậy năm 1988, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Nga trở về nước, Bộ GD-ĐT giao cho thầy làm Chủ tịch Hội đồng Ngôn ngữ và Việt Nam học cho khối đại học ngoại ngữ với mục đích cải cách giáo dục đại học và lấy khối ngoại ngữ làm thí điểm. Qua khảo sát thầy nhận ra rằng: “Các cử nhân của chúng ta rất giỏi ngoại ngữ thế nhưng kiến thức về văn hóa thì rất yếu. Nhiều học sinh và sinh viên không biết Vua Hùng dựng nước, Chu Văn An - nhà giáo dục đời Trần là ai… đây quả là một điều đáng buồn”, thầy tâm sự.

Từ đây thầy đề xuất đưa môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” vào giảng dạy trong trường đại học. Lại một lần nữa, không chỉ là người đề xuất, thầy còn là người đứng ra xây dựng chương trình, viết giáo trình cho môn học này. Thầy kể rằng, lúc ấy làm liều thôi vì kinh phí của Hội đồng hạn hẹp, không thể trả cho những người mình muốn mời nên đành phải tự làm. Trước đó, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chỉ mới dạy môn lịch sử văn hóa, số tiết giảng dạy rất nhiều. Thầy cho rằng đối với sinh viên ngoại ngữ và các ngành khác không có nhiều thời gian cho môn này nhưng phải dạy một hệ thống tri thức cơ sở, một lối tư duy đủ để sinh viên có kiến thức nền về văn hóa Việt Nam, sau này có thể tiếp tục học tập, trau dồi thêm. Từ năm 1995, môn “cơ sở văn hóa Việt Nam” đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình bậc cao đẳng, đại học đại cương. Dù lúc đầu cũng có ý kiến này, ý kiến khác về tên môn học, về những cuốn sách mà thầy viết, nhưng cho đến hôm nay thời gian đã khẳng định những đóng góp của thầy trong việc xây dựng môn học “cơ sở văn hóa Việt Nam” nói riêng và bộ môn văn hóa học Việt Nam nói chung là rất lớn.

Để có được những công trình đồ sộ về văn hóa làm giáo trình ở bậc đại học hôm nay, đã bao đêm thầy “đánh vật” với những tài liệu khổng lồ trong thư viện sách “mini” của mình để tìm hiểu, nghiên cứu và viết. Khi những trang sách đầu tiên ra đời đã có nhiều ý kiến phản biện… Thậm chí “năm 1991 khi những trang sách đầu tiên ra đời, trong một lần vận chuyển đã bị công an chặn lại vì những hình vẽ bát quái, âm dương ngũ hành… trong sách khiến họ lầm tưởng đó là sách mê tín, dị đoan…” thầy Thêm kể.

Đến hôm nay thầy khẳng định, muốn thành công trong bất cứ lĩnh vực nào trước hết phải say mê và dám sống chết với công việc của mình, đó không chỉ là bí quyết của thầy mà còn là lời nhắn nhủ đến những bạn trẻ đã lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học. Qua bao thăng trầm với nhiều ngành khác nhau nhưng cuối cùng thầy đã đi theo niềm đam mê là nghiên cứu văn hóa Việt Nam. GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Nếu như không học ngôn ngữ toán, không có niềm đam mê văn hóa thì có lẽ tôi không đủ kiên nhẫn, khả năng để làm một khối lượng công việc khổng lồ như thế suốt hàng chục năm trời. Và xã hội phát triển, thanh niên đang dần ít quan tâm tới văn hóa dân tộc. Hôm nay tôi vẫn đang ngày đêm làm việc hết mình mong sao sẽ đưa kiến thức văn hóa Việt Nam đến với nhiều người hơn nữa, đặc biệt là thế hệ trẻ” - đó là tâm niệm sẽ theo GS. Trần Ngọc Thêm suốt cuộc đời.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm sinh năm 1952 tại xã Hiền Đa, huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ. Năm 1974 tốt nghiệp ngành ngôn ngữ toán Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad (nay là Saint-Petersburg, Nga). Được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên CHLB Nga năm 1999.
Từ năm 1975 đến 1992 thầy về công tác tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; từ năm 1992 đến nay thầy công tác tại Khoa Đông phương Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM và là Trưởng bộ môn văn hóa học của trường.