Thứ hai, 09 Tháng 2 2015 11:12

GS. Trần Ngọc Thêm: Khuyến khích phát huy cái tôi!

  • KHUYẾN KHÍCH PHÁT HUY CÁI TÔI!

  • GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm

  • Báo Diễn đàn doanh nghiệp số Tết Ất Mùi 2015, tr. 43

Việt Nam hiện nay là điển hình cho một xã hội đang chuyển mình. Nếp sống văn hoá nông nghiệp truyền thống dựa trên tình nghĩa gần như đã bị phá vỡ, trong khi nếp sống của văn hoá đô thị và công nghiệp dựa trên pháp luật thì chưa hình thành. Có thể nói là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và văn hóa đã bị đẩy tới mức giới hạn. Để phát triển toàn diện, cần giải phóng tiềm năng sáng tạo của con người. Để thực sự giải phóng tiềm năng sáng tạo của người dân, đòi hỏi hệ giá trị văn hóa chuẩn cần khuyến khích phát huy bản lĩnh cá nhân – cái tôi hơn là đề cao tính tập thể cào bằng...

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có thể nói khá nhiều yếu tố mới ảnh hưởng đến với việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.

2015-DD Doanh nghiep so Tet-Anh -1

Ngấm “kinh tế thị trường”

Trong nước, 15 năm trước đây, chúng ta mới bước vào kinh tế thị trường, chủ yếu là mới thấy sức mạnh thần kỳ của nó. Nhà nước và nhân dân đua nhau làm giàu. Nói xây dựng văn hóa thì biết vậy, chưa thấy sâu sắc, chưa thấy thấm thía. Nay sau 15 năm, mới thấy sự phát triển về kinh tế không đơn giản. Qua thời đột biến rồi, muốn phát triển nữa mà chỉ có tài nguyên không đủ, có nhân công giá rẻ không đủ. Ngay cả có tiền đi vay và khoa học kỹ thuật nữa cũng vẫn là không đủ. Một khi yếu tố cốt lõi cho phát triển là con người mà vẫn giữ những con người với những tính cách, phẩm chất, năng lực, nhận thức như hiện nay thì càng đổ nhiều tiền của vào cho phát triển bao nhiêu thì nợ của quốc gia càng tăng nhanh, tài nguyên càng sớm cạn, đất nước càng nhanh kiệt quệ bấy nhiêu.

Trong khi đó, 15 năm qua, những mặt trái của kinh tế thị trường đã gây ảnh hưởng tiêu cực và trong điều kiện mới, văn hóa làng, xã truyền thống cũng bộc lộ những bất hợp lý trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Hai thứ đó kết hợp với nhau khiến cho con người Việt Nam biến chất nhanh chóng; cộng với quản lý bị buông lỏng, pháp luật không nghiêm đã tạo nên những hạn chế về thực tiễn vừa nêu trên. Có thể nói là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và văn hóa đã bị đẩy tới mức giới hạn.

“Tư duy toàn cầu, hành động địa phương”

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, việc đầu tiên là phải từ bỏ cách nhìn coi văn hóa là phép cộng đơn thuần của bảy lĩnh vực: tư tưởng, đạo đức và lối sống; giáo dục và khoa học; văn học và nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa với nước ngoài; thể chế văn hóa; thiết chế văn hóa.Xây dựng văn hóa trước hết là phải tập trung xây dựng con người.Sự suy thoái trong tính cách của người Việt hiện nay là hậu quả sự kết hợpnhững thói hư tật xấu của người Việt có nguồn gốc từ trong quá khứcủa một nền văn hóa tiểu nông khép kín trong làng xã vớinhững mặt trái của chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường. Nó có đất phát triển là do buông lỏng quản lý, luật pháp không nghiêm, năng lực tổ chức kém. Một khi tư tưởng, đạo đức, lối sống, phẩm chất, tính cách... mà lệch lạc thì chúng sẽ phá nát tất cả. Nguồn gốc tham nhũng, móc ngoặc là từ đây. Suy giảm lòng tin là từ đây.

Trong thời đại toàn cầu hóa này, muốn chọn lọc tiếp nhận những phẩm chất tinh hoa thì chỉ có một con đường là không khép cửa đối phó mà phải mở cửa hội nhập hơn nữa với nhân loại. Để hội nhập, cần thực sự cầu thị và khoa học trong tư duy, tránh căn bệnh giáo điều với việc lạm dụng các sáo ngữ đao to búa lớn, các tên tuổi thiêng liêng. Để hội nhập hiệu quả, còn phải cùng lúc “trở về” với dân tộc nhiều hơn theo phương châm “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương” (Think globally, act locally). Hành động địa phương ở đây được hiểu là xuất phát từ đặc trưng văn hóa dân tộc và khu vực.

“Hệ giá trị văn hóa chuẩn cần khuyến khích phát huy bản lĩnh cá nhân hơn là đề cao tính tập thể cào bằng”

Giải phóng tiềm năng sáng tạo của người dân

Người Việt Nam thực sự là có phẩm chất “thông minh, sáng tạo” như lâu nay vẫn nói. Nhưng sự sáng tạo này chủ yếu là sáng tạo vặt kiểu Trạng Quỳnh mà ít có sáng tạo lớn mang tính phát minh. Điều này có nguyên nhân ở truyền thống văn hóa nông nghiệp làng xã coi trọng ổn định hơn là phát triển, đề cao tính cộng đồng cào bằng hơn là khuyến khích phát huy bản lĩnh cá nhân, đề cao người tiên phong đi đầu; có nguyên nhân ở nền giáo dục coi trọng khuôn mẫu đào tạo “trò giỏi con ngoan” (“giỏi” được hiểu là thuộc bài, “ngoan” được hiểu là dễ bảo) chứ không khuyến khích trò thông minh, con sáng tạo vượt mọi khuôn mẫu; có nguyên nhân ở thói quen quản lý xã hội thích người dưới dễ bảo, biết vâng lời hơn là người sắc sảo, có tư duy phản biện...

Do vậy, việc thực sự giải phóng tiềm năng sáng tạo của người dân đòi hỏi một hệ thống các giải pháp được thực hiện một cách kiên trì. Trong nhà trường phải thay đổi chuẩn đánh giá, khuyến khích trò nêu những ý tưởng mới lạ, độc đáo hơn là thuộc bài, làm văn theo mẫu. Trong gia đình cần phát huy dân chủ, khuyến khích phản biện, thực sự theo phương châm “con hơn cha là nhà có phúc”. Trong quản lý xã hội cần thay đổi nhận thức, coi người lãnh đạo giỏi không phải là người biết tổ chức mọi người làm theo ý mình mà là người biết tập hợp nhân tài, tạo điều kiện cho mọi người có thể phát huy tối đa năng lực của họ để đóng góp cho xã hội. Về hệ giá trị văn hóa chuẩn cần khuyến khích phát huy bản lĩnh cá nhân – cái tôi hơn là đề cao tính tập thể cào bằng... Nếu làm được như vậy thì có thể hy vọng sau một vài thế hệ chúng ta mới có thể đạt đến thời đại của những nhân tài...

 2015-Dien dan Doanh nghiep so Tet-Khuyen khich cai Toi