Thứ năm, 29 Tháng 10 2015 09:29

Trần Ngọc Thêm. Từ “ngồi” đến “đi” hay từ “ổn định” đến “biến động” trong hệ giá trị văn hoá Việt Nam

  • TỪ “NGỒI” ĐẾN “ĐI” HAY TỪ “ỔN ĐỊNH” ĐẾN “BIẾN ĐỘNG”
    TRONG HỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI

  • Trần Ngọc Thêm

  • Trường ĐH KH Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM

“Ngồi” và “đi” là hai trạng thái hoạt động của cơ thể, có thể xem là đại diện điển hình cho hai loại hình văn hóa âm và dương, trọng tĩnh và trọng động. Tác giả khảo sát những biểu hiện của “văn hóa ngồi” trong quan hệ với “văn hóa đi” của người Việt Nam trong lịch sử những thành công và thất bại của người Việt qua các cuộc ra đi ở trong nước và ra nước ngoài, lý giải những tật xấu của người Việt có liên quan, từ đó rút ra những nguyên nhân thành bại và những quy luật.

1. “Ngồi” trong văn hóa Việt Nam truyền thống

1.1. “Ngồi” và “đi” là hai trạng thái hoạt động của cơ thể, có thể xem là đại diện điển hình cho hai loại hình văn hóa âm và dương, trọng tĩnh và trọng động. Bản chất âm hay dương, trạng thái tĩnh hay động phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, môi trường và khu vực... Phương Đông có truyền thống lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo nên thiên về âm tính, ưa tĩnh; phương Tây có truyền thống kinh tế gốc du mục rồi chuyển sang thương nghiệp, công nghiệp nên thiên về dương tính, ưa động. Việt Nam có truyền thống kinh tế nông nghiệp lúa nước hàng mấy nghìn năm, tạo nên một nền văn hóa âm tính, coi trọng sự ổn định ở mức độ cao[1]. Việt Nam là một trường hợp “văn hóa ngồi” điển hình nhất.

1.2. Các cứ liệu ngôn ngữ cho thấy, với người Việt, ngồi là biểu tượng của sự sung sướng, nhàn rỗi (tục ngữ: Ngồi mát ăn bát vàng). “Văn hóa ngồi” Việt Nam bộc lộ rõ tính cộng đồng thể hiện qua việc trong tiếng Việt, “ngồi” thường gắn liền với “ăn” (tục ngữ: Ăn trông nồi, ngồi trông hướng). Qua các cứ liệu ngôn ngữ, “văn hóa ngồi” Việt Nam còn bộc lộ rõ cả một số đặc trưng khác như tính linh hoạt; tính vừa phải; tính thân thiện, cởi mở, hay nói hay cười, hay quan tâm đến người khác… Từ đây cũng sinh ra một số tật xấu như thói ngồi lê đôi mách; bệnh khoác lác (bệnh nổ, chém gió); bệnh dễ dãi, hời hợt, đại khái; bệnh tầm nhìn hạn hẹp; bệnh ích kỷ; bệnh đối phó...

2. "Đi” trong văn hóa Việt Nam truyền thống

Do thuộc loại hình trọng tĩnh với văn hóa “ngồi là chính”, trong suốt lịch sử Việt Nam truyền thống, người Việt rất ít đi trong nước, hầu như không có đi ra nước ngoài. Mọi chuyến đi ở trong nước hay ra nước ngoài, nếu có, đều xảy ra trong hoàn cảnh bắt buộc, hầu như không có chuyến đi nào là chủ động.

2.1. Đi ra nước ngoài thời xưa chủ yếu có ba trường hợp:

Thứ nhất là những người bị bắt làm tù binh. Đợt người Việt Nam bị bắt tù binh lớn nhất là vào đầu tk. XV: Sau khi đánh bại Hồ Quý Ly, tướng nhà Minh là Trương Phụ đã bắt 9.000 người có học vấn cao và 7.700 thợ giỏi đưa về Trung Quốc xây dựng kinh đô. Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh nằm trong số đó; Nguyễn Trãi định đi theo cha, nhưng khi đến biên giới thì nghe theo lời khuyên của cha trở về tìm cách rửa thù cho cha, cho nước.

Thứ hai là những người được/bị vua cử đi sứ. Việc đi sứ được xem là một nhiệm vụ nặng nề, vừa dài lâu về thời gian, vừa nguy hiểm đến tính mạng. Sứ thần Lê Quang Bí đi sứ năm 1548, bị nhà Minh nghi là sứ thần giả mạo nên đã giam lỏng ông suốt 18 năm mới cho về. Sứ thần Giang Văn Minh (1573-1638) do đối đáp khảng khái, không chịu để nhục cho nước nên đã bị vua Minh nổi giận cho trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng để xem “sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”.

Thứ ba là sau những xáo trộn chính trị, những hoàng thân quốc thích của triều đại cũ phải trốn đi lánh nạn. Khi nhà Trần diệt nhà Lý, Hoàng thúc Lý Long Tường của nhà Lý cùng thân nhân đã phải xuống thuyền phiêu bạt sang tận Triều Tiên.

2.2. Đi (theo nghĩa di chuyển trong khoảng cách lớn) ở trong nước lại càng hạn chế. Nguyễn Hoàng vào khởi nghiệp ở đất Thuận Hóa; những người cùng dân hoặc trí thức bất đắc chí phải bỏ quê vượt châu Hoan, châu Ái, vượt sông Gianh vào miền Trung, rồi bỏ tiếp quê hương thứ hai ở miền Trung để vào Nam mở đất; những người lính phải theo lệnh vua ra tuần thú Hoàng Sa, Trường Sa, v.v. đều là do hoàn cảnh bắt buộc.

Câu ca dao não nùng còn lưu truyền của người dân đảo Lý Sơn cho thấy rõ tính chất bất đắc dĩ của công việc này: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa chính là một lễ tế sống cho những người đi biển. Tâm lý sợ biển, quay lưng lại với biển hiện diện trên suốt dải bờ biển dài gần 3000 km chính là biểu hiện của văn hóa truyền thống trọng tĩnh, ưa ổn định của người Việt Nam. 72% các câu có chứa từ “biển”/ “bể” trong kho tàng tục ngữ Việt Nam đều nói lên tâm lý sợ biển .

Cũng vì “văn hóa ngồi” ít có nhu cầu đi, không chú trọng việc đi, nên hệ thống đường bộ Việt Nam rất chậm phát triển. Người dân Việt vào Nam mở đất trước đây phải đi thuyền theo từng chặng ngắn men theo bờ biển. Đến năm 1832, vua Minh Mạng còn phải sức cho các quan địa phương “xem xét địa phận hạt mình, chỗ nào có đá lớn ngăn trở, thì đốt cho nát phá bỏ đi, cốt rộng từ 4-5 thước trở lên, đủ đi lại được” (thước ta dài hơn 0,4 mét, nên 5 thước mới được hơn 2 mét). 

3. “Đi” trong văn hóa Việt Nam cận hiện đại

Chỉ dưới triều Nguyễn mới bắt đầu có việc đi một cách chủ động, đi tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Điều này bắt nguồn từ Nam Kỳ. Một phần là do tính cách của người Nam Bộ, là những người dương tính nhất trong số những người Việt Nam âm tính. Có dương tính mới bỏ quê vào Nam để thay đổi số phận và tạo nên văn hóa mới. Đầu óc người Nam Bộ phóng khoáng, rộng mở. Con cái những nhà giàu ở Nam Bộ thích đi Tây du học, học phong cách Tây về nước mua ô tô, tàu thủy, máy bay đi thăm đồng. Việc đi du học nước ngoài từ Nam Kỳ mở rộng dần ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ, cho đến trước năm 1954 có số lượng hết sức khiêm tốn. Năm 1954 do hoàn cảnh đưa đẩy, có một số lượng lớn đồng bào công giáo di chuyển từ Bắc vào Nam, và một số lượng khá lớn cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Các năm 1954, 1975, 1980 là những năm có số lượng người đi ra nuớc ngoài ồ ạt, nhưng lại vẫn là trong trạng thái bị động do hoàn cảnh bắt buộc – đi di tản.

Chỉ có từ sau Đổi mới 1986, nhất là từ khi hội nhập, trong bối cảnh “toàn cầu hóa”, người Việt Nam mới thực sự ra đi với số lượng nhiều một cách chủ động: đi du học tự túc, đi du lịch, đi xuất khẩu lao động, đi lấy chồng nước ngoài… Cùng thời gian này, dòng di cư tự nguyện trong nước từ nông thôn ra đô thị, từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp… cũng ngày càng tăng nhanh.

4. Kết quả của việc người Việt “đi”

Một cách tổng quát, việc đi thay đổi tư duy của con người, giúp mở mang đầu óc, tạo nên sự thay đổi về văn hóa, về tính cách con người, giúp cho con người và văn hóa phát triển. Vậy đối với người Việt, các cuộc ra đi trên thực tế đã mang lại kết quả thế nào?

Với lịch sử di chuyển của người Việt, cần phân biệt hai loại theo tính chất là đi bị động và đi chủ động; hai loại theo phạm vi là đi trong nước và đi ra nước ngoài; hai loại theo quy mô là đi nhỏ lẻ và đi ồ ạt.

4.1. Đi dạng bị động ở trong nước, dù quy mô nhỏ lẻ hay ồ ạt, nhìn chung đều thành công.

Nguyễn Hoàng vào khởi nghiệp ở đất Thuận Hóa rất thành công. Những người cùng dân hoặc trí thức bất đắc chí phải bỏ quê vào miền Trung, rồi từ miền Trung đi tiếp vào Nam mở đất đều rất thành công. Những người lính theo lệnh vua ra tuần thú Hoàng Sa, Trường Sa, v.v. đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình.

Những cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; những đồng bào công giáo di chuyển từ Bắc vào Nam năm 1954, nhìn chung đều thành công: họ đã ổn định được cuộc sống, hòa nhập được vào với lối sống và văn hóa địa phương, trở thành những con người có đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.

4.2. Đi dạng bị động ra nước ngoài, dù quy mô nhỏ lẻ hay ồ ạt, nhìn chung cũng đều thành công.

Những người được/bị vua cử đi sứ dù khỏe mạnh trở về hay phải hy sinh tính mạng, đều đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đối ngoại của mình.

Những hoàng thân quốc thích do xáo trộn chính trị mà phải trốn đi lánh nạn cũng ổn định được cuộc sống, hòa nhập được vào với lối sống và văn hóa địa phương. Hoàng thúc Lý Long Tường sang Triều Tiên, đã giúp vua Triều Tiên đánh Mông Cổ, được vua phong tước, gây dựng được dòng họ Lý Việt Nam ở Triều Tiên, con cháu nhiều đời có nhiều người thành đạt.

Những người bị bắt làm tù binh đưa sang Trung Quốc chịu thân phận đau buồn nhất, nhưng trong số đó đã nổi lên không ít nhân tài: Nguyễn An là người được vua Minh giao làm kiến trúc sư trưởng phụ trách xây dựng thành công Tử Cấm Thành; Hồ Nguyên Trừng sáng tạo nên súng thần công được coi là ông tổ của súng thần công Trung Quốc; Phạm Hoằng là người chủ trì xây dựng thành công ngôi chùa lớn Vĩnh An tự ở Tây Nam Bắc Kinh...

Những dòng người di tản ồ ạt ra nước ngoài vào các năm 1954, 1975, 1980 tuy thành phần rất đa dạng, nhưng nhìn chung là thành công. Những người trí thức và những người trẻ tuổi hòa nhập nhanh chóng, nhiều người thành đạt: ông Philipp Roesler, người gốc Việt, là Phó thủ tướng Đức; ông Joseph Cao là nghị sĩ Hạ viện Mỹ; ông Dzung T. Bùi là Phó Chủ tịch tập đoàn IBM; ông Lương Vĩnh Tước là Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Yahoo! toàn cầu; cùng nhiều nhà khoa học, thương nhân… đã và đang làm việc trên nhiều lĩnh vực. Những người bình dân tuổi trung niên hòa nhập khó khăn hơn, nhưng cũng đều tìm được công ăn việc làm ổn định. Chỉ có số ít những người cao tuổi là hòa nhập khó khăn, tuy nhiên do có gia đình con cái bên cạnh nên cuộc sống cũng ít rơi vào bi kịch.

4.3. Đi dạng chủ động ở trong nước, chủ yếu chỉ mới hình thành từ thời Đổi mới, nhìn chung có mức độ thành công không cao.

Trong những năm từ Đổi mới đến nay, dòng di cư ào ạt từ nông thôn ra đô thị trong khi giúp giải quyết khó khăn về kinh tế tư nhân và giúp đô thị phát triển mạnh về quy mô thì lại làm giảm chất lượng sống của cư dân đô thị nói chung vì cơ sở hạ tầng phát triển không theo kịp, lối sống đô thị bị nông thôn hóa, các tệ nạn xã hội trong khu vực đô thị tăng nhanh.

Dòng di cư từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp trong khi giúp giải quyết phần nào khó khăn về kinh tế tư nhân và giúp đáp ứng nhu cầu nhất thời của các khu công nghiệp về nhân lực thì để lại hậu quả lâu dài vì làm gia tăng nhanh một đội ngũ nhân công trình độ thấp, yếu kém về tay nghề, thiếu tác phong công nghiệp.

Trong phạm vi cả nước, sự phát triển nóng nhờ chuyển sang kinh tế thị trường và dịch chuyển dân cư để tái cơ cấu lại cấu trúc xã hội đã giúp cho xã hội ra khỏi thời kỳ trì trệ, có những bước phát triển nhất định về kinh tế, nhưng mặt khác, đã khiến cho đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, lĩnh vực nào cũng nảy sinh những vấn đề nhức nhối. Việc đứng dậy mà đi từ Đổi mới đến nay dẫn đến kết quả là về kinh tế thì nhìn chung là thành công, còn về văn hóa - xã hội thì chưa có sự phát triển tương xứng, đạo đức và phẩm chất con người thì xuống cấp trầm trọng.

4.4. Đi dạng chủ động ra nước ngoài, bên cạnh số ít thành công, thì có số lượng đông hơn là thất bại.

Đi dạng chủ động ra nước ngoài vào thời cận đại, với số lượng nhỏ lẻ, thì thành công. Con cái nhà giàu ở Nam Bộ đi Tây du học thời xưa đều có đóng góp cho gia đình và xã hội. Các chí sĩ đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, ở những mức độ khác nhau, đều có đóng góp lớn cho xã hội.

Phần đông những người đi du học sau này cũng đều thành công. Bên cạnh những nghệ sĩ thiên tài như Đặng Thái Sơn; những nhà khoa học danh tiếng như Ngô Bảo Châu, các du học sinh khác dù ở lại nước ngoài làm việc hay trở về quê, nhìn chung đều thành công và có đóng góp quan trọng cho xã hội.

Thế nhưng những người ra đi với số lượng lớn ở dạng phổ thông thì nhìn chung là thất bại. Số này gồm hai loại chính. Một loại đi kiếm tiền và một loại đi hưởng thụ. Với loại đi kiếm tiền, chúng ta có quá ít những chuyên gia lành nghề được xuất khẩu mà phần đông là xuất khẩu lao động giản đơn. Ở khắp các thị trường lao động, từ Nga, Đông Âu đến Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…, bức tranh phổ biến của công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam là hình ảnh nhếch nhác, thảm hại: làm những công việc giản đơn, nặng nhọc; bị chủ đánh đập; có nhiều thủ đoạn gian lận; trốn visa sống bất hợp pháp… Với đời sống kinh tế phát triển, loại đi du lịch hưởng thụ đang ngày càng đông lên, nhưng nhiều người trong số họ đang góp phần tạo ra một hình ảnh người Việt Nam xấu xí: ở chỗ đông người thì nói to cười lớn, xả rác, nhổ bậy; đến các danh thắng thì chỉ đua nhau chụp ảnh, leo trèo, sờ mó hiện vật; vào nơi mua bán thì chôm đồ; trong quan hệ thì trổ tài xoay xở, mánh mung… Một hiện tượng đang trở thành phổ biến là ở nơi nào xuất hiện đông người Việt Nam (như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…) thì ở đó thường bắt đầu xuất hiện những biển cấm, biển cảnh báo viết bằng tiếng Việt. Trong số những người tử tế và có sĩ diện thì có một bộ phận thiếu bản lĩnh đến mức không dám nhận mình là người Việt mà thường nhận mình là người Thái Lan, Singapor…

5. Nguyên nhân những thành công của “người Việt đi”

5.1. Quy luật chung có thể rút ra được là đi thụ động thì thành công hơn đi chủ động, đi trong nước thì dễ thành công hơn ra nước ngoài, trí thức thì dễ thành công hơn người bình dân, đi nhỏ lẻ thì thành công hơn đi ồ ạt…

Những người đi thụ động là người rơi vào tình thế bắt buộc, không có lựa chọn nào khác. Văn hóa Việt Nam vốn là văn hóa âm tính, thụ động; người Việt Nam chỉ phát huy hết nghị lực và khả năng khi bị đẩy vào con đường cùng. Đây cũng chính là một trong những lý do cơ bản giải thích vì sao người Việt Nam thường mạnh trong thời chiến mà yếu trong thời bình.

Những người đi trong nước là di chuyển trong môi trường gần gũi, ít khác biệt về văn hóa; trong khi đi ra nước ngoài là đi đến những nơi không chỉ có khác biệt về văn hóa dân tộc, mà còn có sự khác biệt mạnh mẽ về môi trường sống và làm việc: từ xã hội nông thôn đến xã hội đô thị (đô thị văn minh chứ không phải là những đô thị bị nông thôn hóa như ở Việt Nam), từ xã hội nông nghiệp đến xã hội công nghiệp (công nghiệp lâu đời chứ không phải là công nghiệp non trẻ, bán nông như ở Việt Nam).

Những người trí thức thì ngay khi chưa đi đã được đào tạo và hấp thụ phần nào những tinh hoa của nền văn hóa trọng động, “văn hóa đi” của xã hội đô thị, công nghiệp phương Tây. Nhờ vậy mà khi di chuyển đến một xã hội trọng động, xã hội đô thị, xã hội công nghiệp điển hình hơn, họ ít chịu những cú sốc văn hóa hơn, dễ hòa nhập hơn, và do đó dễ thành công hơn.

Đi nhỏ lẻ thì dễ hòa nhập hơn, ít bị chi phối bởi những thói xấu của nền văn hóa nông nghiệp, mà do tác động của tính cộng đồng nên dễ bị cộng hưởng mà nhân lên gấp bội.

5.2. Điểm chung của tất cả những người ra đi thành công là họ đã kết hợp được một cách xuất sắc những thế mạnh của “văn hóa ngồi” Việt Nam truyền thống (như tính linh hoạt nhạy bén, nhiều sáng tạo sáng kiến, khả năng thích nghi nhanh và cao, lòng bao dung đức độ, nghị lực và quyết tâm…) với những tinh hoa của văn hóa trọng động, “văn hóa đi” (như óc phân tích khoa học, năng lực tổ chức công việc, ý thức kỷ luật cao…).

6. Nguyên nhân những thất bại của “người Việt đi”

6.1. Ngược lại, người đi chủ động dễ thất bại hơn đi thụ động, đi ra nước ngoài dễ thất bại hơn đi trong nước, người bình dân đi thất bại nhiều hơn người trí thức, người đi ồ ạt thất bại nhiều hơn người đi nhỏ lẻ.

Người đi chủ động không bị áp lực của hoàn cảnh nên dễ chủ quan, thiếu nghị lực, dễ “đứng núi này trông núi nọ”, dễ bị tác động của cộng đồng mà rơi vào cảnh “đẽo cày giữa đường” nên dễ thất bại hơn người đi thụ động.

Người đi ra nước ngoài gặp phải môi trường có sự khác biệt quá xa về văn hóa, khó thích nghi và hòa nhập hơn, nên dễ thất bại hơn người đi ở trong nước.

Người bình dân (như dạng đi xuất khẩu lao động) có trình độ thấp, mang ra thế giới văn hóa thấp, sống co cụm với nhau trong những cộng đồng người Việt Nam, nên dù có đi ra nước ngoài lúc còn trẻ nhưng cũng không thay đổi được bao nhiêu, nên dễ thất bại hơn người trí thức.

Người đi ồ ạt thường sống khép kín trong những cộng đồng với cả những thói hư tật xấu của nền văn hóa nông nghiệp. Thêm vào đó, do tác động của tính cộng đồng mà những thói xấu này dễ bị cộng hưởng mà nhân lên gấp bội, nên dễ thất bại hơn người đi nhỏ lẻ.

6.2. Nguyên nhân sâu xa của tất cả các trường hợp thất bại là ở chỗ người Việt ra đi khi chưa có sự chuẩn bị về “văn hóa đi”; ra đi mà mang theo toàn bộ tâm thức, thói quen, tính cách của “văn hóa ngồi”.

Người phương Tây tuy coi trọng cá nhân, nhưng cũng vẫn có tính cộng đồng. Đó là tính cộng đồng xã hội: Khi tiếp xúc với nhau, dù không quen biết, họ cũng sẵn sàng vì lợi ích chung mà hợp tác với nhau. Tính cộng đồng của người Việt Nam là cộng đồng tình cảm: Khi biết nhau, thân nhau, có tình cảm với nhau thì sẽ giúp nhau hết lòng. Nhưng nếu ra khỏi tập thể đó thì tính cộng đồng sẽ phân rã, nhiều khi họ còn chống phá, kình địch nhau. Khi một người Việt Nam đi ra nước ngoài, nếu không được giới thiệu nhập vào một cộng đồng nào thì sẽ trở nên bơ vơ, không đâu tiếp nhận mình cả. Điều này rất khác với các cộng đồng Đông Bắc Á (Hoa, Nhật, Hàn): Văn hóa Đông Bắc Á không trọng làng xã mà trọng gia đình. Xã hội được xem như gia đình, nên tính cộng đồng gia đình dễ chuyển thành cộng đồng xã hội: Người Hoa đi đến đâu cũng bảo bọc, nâng đỡ nhau.

Tiệc tự chọn buffet

Ở mục 1 có nói rằng một trong những đặc trưng của “văn hóa ngồi” là ngồi đi liền với ăn. Cộng đồng người Việt ở Đông Âu có câu: “Ăn nhanh, đi chậm, hay cười/ Chuyên mua đồ cũ là người Việt Nam”. Nói “ăn nhanh” ở đây không hoàn toàn đúng: Người Việt thực ra là ăn chậm (vì vừa ăn vừa hay nói chuyện), nhưng ăn tham (nhất là khi ăn tự chọn sẽ lấy rất nhiều), và chỉ ăn nhanh khi sợ hết phần. Đi chậm thì đúng: Người phương Tây có tư duy phân tích mạnh nên làm gì là chăm chú vào mục tiêu, còn người Việt do có kiểu tư duy tổng hợp nên dễ bị phân tán, hay liếc ngang liếc dọc, tạt ngang tạt dọc, nên thường đi chậm. Hay cười lại càng đúng: Do văn hóa âm tính hay nói, thích giao tiếp, bạ việc gì cũng cười, nên mới có kiểu cười trừ, tạo nên nụ cười Việt Nam với nét văn hóa thân thiện rất đặc trưng. Còn thói quen ham mua đồ cũ thể hiện rất rõ một nét tính cách của văn hóa nông nghiệp là ham rẻ, ăn chắc, mặc bền.

Ở mục 1 cũng có nói đến một trong những hệ quả tính cách của “văn hóa ngồi” là người Việt dễ dãi, hời hợt, đại khái, có tầm nhìn hạn hẹp. Đi là đi mà không chuẩn bị chu đáo về nhận thức, kiến thức, tài chính và về các phương án đối phó với những tình huống có thể xảy ra. Bởi vậy mới có triết lý “xách ba lô lên và đi”, rồi đi đến đâu thì hay đến đấy, đối phó đến đấy. Ngay cả khi nhà nước đứng ra tổ chức đưa công nhân đi xuất khẩu lao động, thì mọi việc chuẩn bị về tay nghề, về ngoại ngữ cũng rất đại khái, “đầu voi đuôi chuột”, mang tính hình thức đối phó hơn là thực chất…

6.3. Được cái người Việt linh hoạt, khôn lanh, có khả năng thích nghi cao, nên trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng xoay xở được. Xoay xở, nhất là khi đã ra khỏi ao làng đến xứ người xa lạ, không ai biết mình, sẽ thường đi kèm với gian lận. Huyền Chíp trong hai tập “Xách ba lô lên và đi” (đã trở thành sự kiện của năm 2013) thể hiện rất rõ cái năng lực xoay xở, gian lận, vô trách nhiệm này. Điều đáng nói là người Việt chúng ta đã chung sống với sự phát triển của những tật xấu này và quen với chúng đến mức không còn ý thức rằng đó là tật xấu. Nên mới công khai viết sách dạy nhau. Những việc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức như vượt biên trái phép, trốn vé thăm bảo tàng, làm giả thẻ nhà báo, giả làm người bản địa để dùng vé giá rẻ… được Huyền Chíp kể lại trong sách với một giọng gần như khoe khoang. Cộng thêm với thói sỹ diện, nổ, chém gió… khá phổ biến ở người Việt, nhiều chuyện còn được tác giả phóng đại, bịa đặt, “có ít xuýt ra nhiều”. Phạm vi của những thói xấu này rộng đến mức không chỉ người trẻ mắc phải mà cả một số chính khách, giáo sư cũng vô tình tiếp tay cổ vũ, tuyên truyền, thanh minh, ngụy biện cho Huyền Chíp.

Do mang theo thói quen của “văn hóa ngồi” cho nên người Việt hiện nay đi ăn tiệc đứng buffet mà phần đông đều cố lấy cho đầy đĩa rồi tìm chỗ ngồi. Tiếp nhận văn minh “xí bệt” mà nhiều người Việt vẫn giữ thói quen đưa cả hai chân lên ngồi xổm. Có quán ngồi chưa đủ, một số nơi sáng tạo ra loại hình “cà-phê bệt”, mang ly cà-phê mua từ các xe di động ra ngồi uống với nhau ở vỉa hè, ở bờ kè vườn hoa. Du nhập loại hình cửa hàng thức ăn nhanh (fast-food), người Việt khắp nơi đưa nhau đến đó để đãi khách, để tổ chức sinh nhật. Uống cà phê “take away” mà người Việt chẳng có ai cầm ly giấy mang đi, ai cũng mang ly đến ghế nhựa ngồi nhâm nhi nhìn ra phố. Trong thế giới hội nhập, người Việt dường như nhậu nhẹt nhiều hơn và càng trở nên cao thủ hơn trong tài ngồi lê “chém gió”…

6.4. Văn hóa ngồi là văn hóa của con người cố định sống trong một môi trường không có gì là cố định vì phải hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên (luôn “trông trời, trông đất, trông mây” để sản xuất) và phụ thuộc vào cộng đồng xung quanh (Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy), nên phải linh hoạt và lấy tình cảm làm đầu. Xã hội sống theo tình cảm, nên luật truyền thống là luật lệ, là lệ làng, là luật tục. Luật là tùy ở mình. Mình đặt ra luật thì mình cũng có thế linh hoạt theo hay không theo hoặc thay đổi nó. Bởi vậy mà người cầm quyền thì dễ dàng sửa luật, đặt mình trên luật; còn người dân thì hay lách luật, nhờn luật, coi thường luật. Một xã hội như thế thường là lộn xộn. Khi đi đến những nước phát triển, có hệ thống luật pháp chặt chẽ, người Việt rất dễ vi phạm, nếu không sớm thay đổi sẽ nhận kết quả là thất bại.

Kết luận

Truyền thống nông nghiệp lúa nước hàng mấy nghìn năm khiến cho con người có thói quen gắn bó với một nơi, tạo ra văn hóa Việt coi trọng sự ổn định. Đó là “văn hóa ngồi”. Trong cuộc sống, người Việt có đi, nhưng là đi quanh quẩn trong lũy tre làng. Trong quá trình đô thị hóa, người Việt cũng có đi – đi từ nông thôn ra thành phố, nhưng chỉ là một bộ phận rất nhỏ, nhiều người khi hết làm quan lại trở về quê. Do vậy mà đô thị Việt Nam trong một thời gian dài vẫn chỉ là “Kẻ Chợ”. Một bộ phận do cuộc sống bắt buộc phải vào Nam mở đất. Một bộ phận do công việc hoặc tình thế bắt buộc mà phải đi ra nước ngoài. Khi không có lựa chọn nào khác, người Việt đã kết hợp được cái tinh hoa dân tộc của “văn hóa ngồi” với những gì tốt đẹp tiếp nhận được từ “văn hóa đi” để đạt tới thành công.

Đến thời hội nhập, người Việt càng ra đi nhiều hơn. Bi kịch bắt đầu xảy ra khi người Việt vốn quen sống thụ động nay được quyền chủ động, vốn quen ngồi bỗng chốc đứng dậy ra đi. Bi kịch thể hiện ở chỗ người Việt ra đi trong khi chưa chuẩn bị được những phẩm chất cần thiết của “văn hóa đi”. Bi kịch thể hiện ở chỗ khi được quyền chủ động lựa chọn, người Việt đã lựa chọn cách dễ dãi nhất là không nỗ lực học lấy “văn hóa đi”, mà mang theo hành trang là tất cả nhận thức, tính cách, thói quen… mặt trái của “văn hóa ngồi” và áp dụng chúng vào hoàn cảnh mới. Bởi vậy mà đa phần thất bại.

Một xã hội hướng đến phát triển phải là một xã hội thiên về dương tính, năng động, dễ di chuyển, một xã hội có “văn hóa đi” thực sự (chứ không phải là “văn hóa ngồi” biến tướng). Cần trở lại với bài học của người xưa là kết hợp cái tinh hoa dân tộc của “văn hóa ngồi” với những gì tốt đẹp tiếp nhận được từ “văn hóa đi” để đạt tới thành công.

Nguồn: Hội thảo khoa học ”Việt Nam học: Những phương diện văn hóa truyền thống” 
8-9/8/2015 tại Hà Nội; NXB Khoa học xã hội. tr. 1183-1190