Chủ nhật, 15 Tháng 3 2015 09:25

Trần Ngọc Thêm. Những thói xấu cần loại bỏ & Dùng pháp quyền để dựng lại người

  • TRẦN NGỌC THÊM. NHỮNG THÓI XẤU CẦN LOẠI BỎ & DÙNG PHÁP QUYỀN ĐỂ DỰNG LẠI NGƯỜI

  • Phòng vấn GS. Trần Ngọc Thêm

 Vanhoahoc & TT

– Sau Hội thảo khoa học với chủ đề "Định hướng xây dựng giá trị con người - giá trị văn hóa ViệtNamtrong giai đoạn mới" do Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLTƯ) tổ chức ngày 27-2-2015 tại Hà Nội, giữa lúc dư luận đang xôn xao bàn luận về việc chỉ trong 8 ngày Tết có đến 6.200 người phải nhập viện vì đánh nhau, trong đó có 15 người chết và những xô xát, tranh cướp lộn xộn trong các lễ hội mùa xuân, phóng viên báo Tuổi Trẻ Phạm Vũ đã gặp gỡ trao đổi với GS. Trần Ngọc Thêm về ba tật xấu trầm trọng của người Việt cần được loại bỏ là bệnh giả dối, bệnh thành tích và bệnh thiếu ý thức pháp luật cùng những giải pháp để khắc phục. 

Báo Tuổi Trẻ đã đăng những kết quả của cuộc trao đổi này trong hai bài: “Bệnh giả dối - thói xấu đầu tiên cần loại bỏ” (Chủ nhật ngày 8-3-2015) và “Dùng pháp quyền để dựng lại người” (thứ 3 ngày 10-3-2015).

Đồng thời, đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 6-3-2015 cũng có bài phỏng vấn GS. Trần Ngọc Thêm nhan đề “Nhà nước pháp quyền: chìa khóa vực dậy nền văn hóa xuống dốc tận đáy của VN”. Vanhoahoc cũng xin giới thiệu thêm ở phần cuối để độc giả tham khảo.

BỆNH GIẢ DỐI - THÓI XẤU ĐẦU TIÊN CẦN LOẠI BỎ

Phạm Vũ (thực hiện)

Tuổi Trẻ Chủ nhật ngày 8-3-2015

alt

GS Trần Ngọc Thêm - Ảnh: P.Vũ

Giả dối, bệnh thành tích và thiếu ý thức pháp luật là ba căn bệnh được chọn đứng đầu trong 33 tật xấu cơ bản của người Việt cần được loại bỏ.Đó là một phần kết quả của cuộc điều tra xã hội đề tài cấp nhà nước về việc xây dựng “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” được thực hiện trên phạm vi cả nước.

Đối tượng khảo sát mở rộng các thành phần, độ tuổi, với bảng hỏi 26 câu và 5.604 phiếu khảo sát được xử lý. Với tỉ lệ được chọn cao đến mức giật mình: bệnh giả dối 81%, bệnh thành tích 75,1%, bệnh thiếu ý thức pháp luật 68,2%.

GS Trần Ngọc Thêm (giám đốc Trung tâm văn hóa học lý luận và ứng dụng Đại học Quốc gia TP.HCM - chủ nhiệm đề tài) đã phân tích cùng Tuổi Trẻ nguyên nhân những căn bệnh này.

* Ba thói xấu được nhận diện là đứng đầu của dân mình, theo ông có nguồn gốc từ đâu?

GS Trần Ngọc Thêm: mới nghe qua, có lẽ ai cũng sẽ nghĩ nguyên nhân là do những biến động mang tính thời đại, nhất là khi những câu chuyện thời sự là minh chứng quá rõ ràng, sinh động. Ngay bản thân tôi, không cần khảo sát, cũng có thể nói ngay rằng gần như 100% người Việt hiện nay đều phải nói dối hoặc làm giả một cái gì đó, vào một lúc nào đó. Vì rằng trong thời buổi bây giờ, hoàn toàn trung thực thì khó mà sống được, khó mà hoàn tất công việc được, kể cả trong nghiên cứu khoa học. 

Chẳng hạn, theo thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN năm 2007, khi tổ chức một hội thảo khoa học, người chủ trì được chi 200.000 đồng, báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng được chi 500.000 đồng, đại biểu được mời tham dự được chi 70.000 đồng.

Quy định kinh phí như vậy thì làm sao để tổ chức được một hội thảo khoa học nên tự nhiên người làm khoa học bị đẩy vào tình thế buộc phải tìm cách gian dối sao cho có thể thanh toán cho người tham gia ở mức chấp nhận được.

Thế nhưng nguyên nhân sâu xa bên trong lại chính là văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, nền tảng văn hóa truyền thống của chúng ta mang bản chất nông nghiệp - nông thôn đang có những xung đột với yêu cầu của một nền văn hóa hiện đại mang bản chất công nghiệp - đô thị.

Xung đột này gây nên những biến động lớn về giá trị. Bên cạnh những giá trị mới, mang tính tích cực đang hình thành, không ít giá trị truyền thống đã không còn thích hợp.

Cộng thêm sự quản lý yếu kém vào đó nữa, chúng ta đã có một mảnh đất màu mỡ, sẵn sàng cho những phi giá trị xâm nhập, những thói hư tật xấu sinh sôi nảy nở, vật chất lên ngôi...

* Những đặc trưng nào của văn hóa truyền thống đã tạo ra cơ hội cho những thói tật, cụ thể ở đây là ba tật xấu hàng đầu được những người tham gia khảo sát lựa chọn?

- Cả giá trị và tật xấu đều do những đặc trưng nhất định của văn hóa truyền thống sinh ra. Chẳng hạn, đặc trưng tính cộng đồng làng xã mang lại những phẩm chất tốt như tình đoàn kết, tinh thần tập thể, lòng yêu quê hương, lòng biết ơn... thì đồng thời cũng là cội nguồn sinh ra những tật xấu như thói bè phái, bệnh hình thức, bệnh sĩ diện, háo danh, bệnh thành tích.

Đặc trưng tính linh hoạt mang đến phẩm chất sáng tạo, khả năng thích nghi cao thì cũng là cội nguồn sinh ra thói tùy tiện, cẩu thả, khôn vặt, bệnh thiếu ý thức pháp luật; tổng hợp các đặc trưng mang đến phẩm chất tinh tế, nhân ái, yêu nước, tinh thần dân tộc cho người Việt thì cũng mang lại luôn cả bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm...

Lâu nay nhiều cuộc điều tra, khảo sát về giá trị văn hóa người Việt đã được tiến hành nhưng chưa chú trọng đúng mức đến các phản giá trị này.

Bối cảnh xã hội, kinh tế của chúng ta hiện nay đặt ra rất nhiều thách thức cấp bách, nên ngoài những giải pháp vòng ngoài, chúng tôi thấy cần đặt ra những yêu cầu từ hệ giá trị cốt lõi bên trong vì có nhận diện và nhìn thẳng vào sự thật mới thay đổi được.

Chìa khóa của vấn đề là xác định được những tệ nạn nào là trầm trọng nhất cần khắc phục ngay, tật xấu nào là nghiêm trọng nhất cần phải loại bỏ.

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy về các thói tật thì bệnh giả dối chiếm 81% yêu cầu phải loại bỏ, và về phía các tệ nạn thì nạn tham nhũng chiếm 66,6% yêu cầu phải xử lý triệt để. Đó là những lựa chọn số một.

* Sau khảo sát, giải pháp khuyến nghị của đề tài là gì, thưa ông?

- Chúng tôi có một câu hỏi cho phép người trả lời lựa chọn không hạn chế những phẩm chất, tính cách cần bổ sung cho văn hóa, con người Việt hiện nay.

Kết quả rất thú vị: ba phẩm chất cần bổ sung có sự nhất trí cao nhất hoàn toàn tương ứng với khoảng trống do ba tật xấu được coi là tệ hại nhất tạo ra: ý thức pháp luật (76,7%) sẽ thay thế cho bệnh thiếu ý thức pháp luật (68,2%), tính trung thực (76,2%) sẽ thay thế cho bệnh giả dối (81%), tinh thần trách nhiệm (75,4%) sẽ thay thế cho bệnh thành tích (75,1%).

Trên cơ sở những phân tích chi tiết, chúng tôi đưa ra một hệ thống 35 giá trị truyền thống cơ bản cần được bảo tồn và giá trị tinh hoa nhân loại cần được bổ sung.

Trong đó, theo chúng tôi, trước mắt cần đặc biệt chú trọng đến 11 giá trị chia thành năm nhóm như sau: ba giá trị xã hội là dân chủ, công bằng và pháp quyền; hai giá trị con người cần đặc biệt gìn giữ là nhân ái và yêu nước; hai phẩm chất của con người thời hội nhập cần bổ sung là trung thực và bản lĩnh; hai phẩm chất của con người trong quan hệ với đồng loại cần bổ sung là trách nhiệm và hợp tác; hai phẩm chất của con người trong thời đại công nghiệp và kinh tế tri thức cần bổ sung và phát triển là tính khoa học và sáng tạo. Danh sách này có thể sẽ được tiếp tục điều chỉnh trên cơ sở những ý kiến góp ý qua các hội thảo...

PHẠM VŨ thực hiện

 2050308-TT-Benh gia doi

DÙNG PHÁP QUYỀN ĐỂ DỰNG LẠI NGƯỜI

PHẠM VŨ

Tuổi Trẻ, thứ 3 ngày 10-3-2015

Tuổi Trẻ, thứ 3 ngày 10-3-2015, Chuyên mục “Thời sự - suy nghĩ”

TT - Nhiều độc giả đồng tình với kết luận của cuộc điều tra xã hội học “Bệnh giả dối là thói xấu đầu tiên cần loại bỏ”.

“Bệnh giả dối là thói xấu đầu tiên cần loại bỏ”là kết luận của cuộc điều tra xã hội học “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (đăng trên Tuổi Trẻ ngày chủ nhật 8-3).

Nhiều độc giả đồng tình, đồng thời cũng có nhiều ý kiến tỏ ra bi quan về giải pháp. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với giáo sư Trần Ngọc Thêm, chủ nhiệm đề tài, vì thế tiếp tục về giải pháp.

“Giải pháp ưu tiên số 1 của tôi: pháp luật. Phải xây dựng và thực hiện một nền pháp quyền thật đầy đủ, chặt chẽ, nghiêm túc từ trên xuống dưới” - giáo sư Trần Ngọc Thêm không ngần ngại trả lời ngay, trong khi chúng tôi ngỡ ông sẽ chọn giáo dục là lĩnh vực của mình.

“Phải chọn một giải pháp mạnh mẽ, vì cả thực tế lẫn nghiên cứu đều cho thấy tình trạng là cấp bách” - ông nói thêm.

Không cần nói nữa đến những minh chứng về thói giả dối đang diễn ra muôn hình vạn trạng trong xã hội, ngay chính những phiếu điều tra của đề tài “xây dựng hệ giá trị...” cũng minh họa rất sống động cho con số 81% lựa chọn cho bệnh giả dối của kết quả phân tích.

Trước những câu hỏi có tính đối chiếu, so sánh, nhiều người vừa lựa chọn “xã hội công bằng, nề nếp, kỷ cương” là một trong những điều quan trọng nhất của cuộc sống, thì xuống câu hỏi sau lại chọn giải pháp “nhờ người quen can thiệp” và “làm ngơ khi thấy người khác vi phạm pháp luật”, thậm chí “hiểu pháp luật, quy chế nhưng không thực hiện khi bất lợi cho mình”.

Những người chọn khẳng định “nạn hối lộ là một trong những tệ nạn trầm trọng nhất...”.

“Người Việt chúng ta thường nghĩ một đằng nói một nẻo và làm theo một nẻo khác nữa”, kết luận đắng chát của những người làm nghiên cứu khoa học khiến người nghe nào cũng giật mình, cũng phải nhìn lại mình và thấy... đúng thật.

“Năm 2008, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục thực hiện điều tra cho kết quả: tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là 64% và sinh viên là 80%. Ra khỏi giảng đường, vào đời, tỉ lệ 100% có lẽ chính là tỉ lệ hợp lý” - giáo sư Trần Ngọc Thêm cung cấp thêm.

Kết quả khoa học hiển nhiên như thách thức các loại giải pháp.

Trong đề tài còn có một câu hỏi cho phép người tham gia lựa chọn những điều quan trọng trong cuộc sống.

Thật may, “Trung thực” được 42,7% người trả lời lựa chọn, đứng sau hàng loạt ưu tiên khác: Hạnh phúc (gia đình) - 82,9%, Việc làm (ổn định) - 75,4%, Công bằng (xã hội) - 53,4%, Giàu có (nhiều tiền) - 52,2%, Nhà riêng (có sân/vườn) - 45%, Tình nghĩa - 44,3%.

Những con số thật thực tế và càng cho thấy thật khó để loại trừ được bệnh giả dối.

Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, niềm tin là một giá trị tối quan trọng trong đời sống con người nhưng lại chẳng được nằm trong tiêu điểm của sự quan tâm, có lẽ cũng rất liên quan đến bệnh giả dối.

Do vậy, nhất thiết phải thực hiện những giá trị pháp quyền một cách thật sự mạnh mẽ, quyết liệt, đầy đủ.

Pháp quyền sẽ đảm bảo được các quyền tự do, hạn chế được những cơ hội khiến con người phải giả dối, sẽ vực dậy được niềm tin và tác động rất lớn vào sự chuyển biến trong tính cách, tác phong của con người.

"Ưu tiên số 2 dĩ nhiên là giáo dục, và là giáo dục từ trong gia đình ra tới nhà trường và xã hội...” - giáo sư Trần Ngọc Thêm nói.

Khi một nhà giáo dục lựa chọn pháp luật làm ưu tiên một, lựa chọn ấy thật đáng suy nghĩ.

2050310-TT-Dung phap quyen de dung lai nguoi 

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN: CHÌA KHÓA 
VỰC DẬY NỀN VĂN HÓA XUỐNG DỐC TẬN ĐÁY CỦA VN

06.03.2015

Trà Mi - VOA (thực hiện)

 201503-VOA 1

Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm

Văn hóa, đạo đức của người Việt đã xuống dốc tới mức ‘chạm đáy.’ Đó là nhận xét của một Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học danh tiếng trong nước chuyên nghiên cứu văn hóa -xã hội Việt Nam trên 20 năm nay.

Bình luận của Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận - Ứng dụng thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Trần Ngọc Thêm, được đưa ra giữa lúc cách hành xử hung hãn, bạo lực, giành giựt của người Việt đang gia tăng báo động và hình ảnh người Việt càng ngày càng trở nên xấu xí hơn trong mắt của nhau và của bạn bè quốc tế.

GS-TS Trần Ngọc Thêm đã dành cho VOA Việt ngữ cuộc trao đổi phân tích nguyên nhân và đề ra những khuyến nghị nhằm giải quyết vấn nạn xã hội nhức nhối này.

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn

  • Tải
  1. oMP3 - 32,0kb/s - 2,4MB
  2. oMP3 - 32,0kb/s - 2,4MB

GS-TS Trần Ngọc Thêm: Cách hành xử của con người càng ngày càng tệ hại. Nguyên nhân thứ nhất là do việc chạy theo đồng tiền, chạy theo vật chất. Cái này dính tới kinh tế thị trường, nhưng kinh tế thị trường không phải làm nên cái này. Cũng là kinh tế thị trường nhưng ở nhiều nước phát triển khác không có những chuyện lộn xộn như thế. Vấn đề ở chúng ta là hệ giá trị đang bị đảo lộn. Các giá trị văn hóa truyền thống vốn thích nghi với môi trường ổn định, làng xã, nông nghiệp-nông thôn đang bị phá vỡ. Cái cần phải có, hệ giá trị mới của một xã hội đô thị, công nghiệp, hội nhập chưa hình thành xong. Vì vậy, xung đột dẫn tới sự đảo lộn. Lẽ ra phát triển kinh tế phải song hành với văn hóa. Văn hóa là nền tảng cho phát triển kinh tế. Nhưng ở ta, đáng tiếc là vế thứ hai chưa làm được.

VOA: Tại những nơi thành thị từng được tiếng là thanh lịch, văn minh như Hà Nội, nay lại biến đổi ngược lại. Nguyên do vì sao?

GS-TS Trần Ngọc Thêm: Thăng Long xưa là một ‘làng lớn’, độ phức tạp chưa cao, rồi sau đó tiếp xúc với phương Tây có được những nét của phương Tây. Đến bây giờ nó đã chuyển sang một cái khác rồi. Vả lại, những người quản lý đô thị cũng chưa được đào tạo một cách bài bản, cũng mắc tật xấu có thể có của văn hóa truyền thống xung đột với văn hóa hiện đại. Vì vậy dẫn tới tất cả những điều chúng ta đang thấy.

VOA: Giáo sư nghĩ thế nào về ‘văn hóa xã hội chủ nghĩa?’

GS-TS Trần Ngọc Thêm: Văn hóa xã hội chủ nghĩa là lý tưởng chúng ta hướng tới. Vì là lý tưởng nên nó chưa có trên thực tế, chưa có hình mẫu nào để đối chiếu cả[1]. Cho nên, những cái chúng ta thấy lại là những cái còn rất nhiều khiếm khuyết.

VOA: Làm thế nào có thể thoát khỏi những cái chưa hay, chưa đẹp?

GS-TS Trần Ngọc Thêm Chúng ta thoát là thoát khỏi những tật xấu không còn thích hợp nữa, những hậu quả của văn hóa truyền thống mà giờ không thích hợp trong môi trường mới. Cần phân tích đầy đủ các nguyên nhân. Nguyên nhân kinh tế không đi cùng văn hóa là một. Nguyên nhân khác nữa là luật pháp của ta không nghiêm. Cho nên, cần phải thúc đẩy sự phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa con người và phải xây dựng một nhà nước pháp quyền, tất cả tuân thủ theo luật pháp. Việc thứ ba, về mặt quản trị xã hội, do ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, trong mọi mối quan hệ có sự thiên vị, không công bằng, không minh bạch, dẫn tới người dân có những uẩn ức, không hài lòng nhưng không giải thoát ra được ở đâu, kết quả là rất dễ xảy ra những điều [bạo lực] như đang thấy. Cũng từ văn hóa truyền thống tạo ra tính cộng đồng, ‘hội chứng đám đông.’ Ví dụ khi tham gia lễ hội, chỉ cần một người dùng sức mạnh chân tay thì dễ lây lan.

VOA: Về chuyện ‘dễ bị ảnh hưởng’, có nhiều ý kiến cho rằng văn hóa Việt Nam càng ngày càng chạy theo và có nhiều nét rất giống Trung Quốc. Những thói quen, tạp quán và tương đồng giữa hai nền văn hóa Việt-Trung có ảnh hưởng gì không đến thực trạng văn hóa trong nước hiện nay?

GS-TS Trần Ngọc Thêm: Tôi nghĩ là không. Tôi rất khác với ý kiến của nhiều người vì toàn bộ [lịch sử] văn hóa của chúng ta luôn tiếp xúc với Trung Quốc nhưng luôn là một nền văn hóa độc lập. Hiện nay, hai quốc gia đang gặp những sự kiện tương đối giống nhau như cùng là nước xã hội chủ nghĩa bây giờ chuyển sang xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho nên có những tương đồng giống nhau cùng những nhược điểm của cơ chế bao cấp quan liêu ngày xưa. Về con người cũng có những mặt tương đồng nhất định. Nhưng về cơ bản, không phải vì chúng ta bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Chẳng hạn như ở Trung Quốc có rất nhiều chuyện làm ăn gian dối. Chúng ta cũng gian dối chứ đâu phải vì họ gian dối mà chúng ta gian dối theo đâu.

VOA: Về vai trò của giáo dục, nên được phát huy thế nào cho hiệu quả để cải thiện hình ảnh văn hóa của người Việt?

GS-TS Trần Ngọc Thêm: Nói thì dễ chứ trên thực tế khó lắm vì tất cả là một hệ thống gắn bó với nhau. Không phải nhìn xã hội rối loạn như giờ là đổ hết lên đầu mấy ông phụ trách giáo dục. Những khiếm khuyết trong giáo dục đó được cộng hưởng thêm bởi những xung đột, khiếm khuyết ở ngoài xã hội trong việc quản lý nên mới dẫn tới toàn bộ thực trạng này. Giải pháp giáo dục chỉ là một thành tố thôi chứ không phải là tất cả. Vả lại, nói đến giáo dục phải nói tới một nền giáo dục trọn vẹn, nghĩa là giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, cộng với giáo dục xã hội. Hiện nay giáo dục xã hội không làm tròn được nhiệm vụ của mình vì đứa trẻ ra đường toàn thấy những chuyện xấu xa. Hệ thống truyền thông của chúng ta chưa phải là chuẩn mực. Giáo dục gia đình cũng bị buông xuôi vì con người hiện nay chạy theo kinh tế. Tất cả những cái đó cho thấy hệ thống giáo dục đang bị vỡ ra thành từng mãnh.

VOA: Dường như chìa khóa gốc rễ cho mọi vấn đề nằm ở nhà nước pháp quyền vì có luật lệ thì mới có tôn ti trật tự và con người mới có thể tự điều chỉnh mình cho phù hợp?

GS-TS Trần Ngọc Thêm: Đúng thế. Hiện nay cần rất nhiều biện pháp và phải tiến hành tất cả biện pháp đó đồng bộ. Nhưng để thúc đẩy quá trình thay đổi nhanh lên thì chìa khóa đầu tiên phải là vấn đề pháp quyền. Phải là pháp luật công minh, công bằng, tạo niềm tin của nhân dân. Hiện nay nhân dân mất niềm tin mà trước hết là mất niềm tin vào việc thực thi nghiêm túc hệ thống pháp luật. Chừng nào người ta tin rằng pháp luật nghiêm minh thì những hành động sai trái sẽ bớt đi. Những vi phạm bị xử nghiêm, chế tài đủ sức răn đe, khi đó mọi việc sẽ đi vào nề nếp, và khi đó, giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội sẽ hỗ trợ nhau làm cho xã hội thay đổi.

VOA: Với con mắt một nhà nghiên cứu kỳ cựu về văn hóa Việt Nam lâu nay, ông nhìn thấy nền văn hóa xã hội Việt Nam trong 10-20 năm nữa sẽ như thế nào?

GS-TS Trần Ngọc Thêm: Chắc chắn phải thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Bởi vì hiện nay, theo cảm nhận của nhiều người có kinh nghiệm, sự sa đọa của những phẩm chất con người, của văn hóa đã xuống chạm đáy rồi. Đã xuống tới đáy thì nó phải đi lên, mà đi lên nhanh hay chậm thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hiện trạng xấu xí bây giờ là sự tổng hợp của rất nhiều thứ. Không phải lỗi toàn bộ của kinh tế thị trường, chẳng phải lỗi hoàn toàn của văn hóa xã hội chủ nghĩa, cũng không phải do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, mà nó là sự tổng hợp của tất cả những cái đó. Những cái đó xung đột với nhau. Đôi khi sự xung đột có thể dẫn tới kết quả tốt, nhưng đôi khi dẫn tới sự cộng hưởng làm cho sự xung đột càng tệ hại hơn. Và  những cái chúng ta chứng kiến bây giờ chính là sự cộng hưởng theo hướng tệ hại hơn vậy.

Trà Mi-VOA

 


[1] Nơi làm được phần nào (như Bắc Âu) thì không tuyên bố; nơi tuyên bố (như các nước XHCN) thì không/chưa làm được.

201503-VOA 2