Thứ bảy, 28 Tháng 6 2014 08:45

Trần Ngọc Thêm: Gìn giữ gia đình - Nhận thức đầy đủ và phát huy tối đa thế mạnh giới

  • TRẦN NGỌC THÊM: GÌN GIỮ GIA ĐÌNH - NHẬN THỨC ĐẦY ĐỦ VÀ PHÁT HUY TỐI ĐA THẾ MẠNH GIỚI

  • Mạnh Hùng

(Chinhphu.vn) - Để gìn giữ gia đình bền vững và cuộc sống chung hạnh phúc, người chồng/người vợ cần nhận thức đầy đủ, khai thác và phát huy tối đa thế mạnh giới của mình cũng như của bạn đời.

Ngày 28/6/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hằng năm là “Ngày Gia đình Việt Nam”.

Nhân dịp “Ngày Gia đình Việt Nam 2014”, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (thuộc Trường ĐH KHXHNV - Đại học Quốc gia TPHCM) về những vấn đề liên quan.

Thưa Giáo sư, xin ông cho biết vấn đề của gia đình hiện nay là gì?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Vấn đề giữ gìn quan hệ hay cấu trúc gia đình truyền thống hiện đang trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia – đặc biệt là các nước châu Á, bởi cấu trúc và những giá trị gia đình truyền thống đang bị phá vỡ.

GS. TSKH Trần Ngọc Thêm - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Ở các nước phương Tây, con người có truyền thống tự lập và cấu trúc gia đình đã tương đối ổn định từ lâu, trong khi ở nước ta, mô hình gia đình trước đây là gia đình mở rộng, gia đình nhiều thế hệ, nhưng giờ đây đang chuyển thành dạng gia đình hạt nhân (hai thế hệ); mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường không còn gặp nhiều nữa.

Đồng thời với việc thu hẹp gia đình về quy mô và hôn nhân tự do, thì mâu thuẫn trong gia đình lại tăng lên, số lượng các gia đình bền vững thì giảm đi. Số người ly hôn, ly thân, sống độc thân, kết hôn muộn gia tăng nhanh (chẳng hạn, từ năm 1999 đến 2009, tỷ lệ hộ độc thân ở Việt Nam tăng từ 4,4% lên 7,3%; tỷ lệ kết hôn muộn tăng từ 1,1% lên 1,7% đối với nam và từ 3,8% lên 4,4% đối với nữ). Ngày càng nhiều phụ nữ không muốn sinh con, đàn ông từ chối trách nhiệm làm cha. Những hiện tượng đáng lo ngại này ngày xưa không có.

Vậy sự khác nhau giữa hai kiểu gia đình (gia đình nhiều thế hệ và gia đình hạt nhân) là gì, thưa Giáo sư?

GS. TSKH Trần Ngọc Thêm: Gia đình nhiều thế hệ có đặc điểm là tính cộng đồng trong gia đình rất cao, đây là đặc điểm của văn hóa Việt Nam - văn hóa cộng đồng. Cấu trúc gia đình nhiều thế hệ có ưu điểm rất lớn là khả năng gìn giữ văn hóa truyền thống rất tốt. Tri thức, kinh nghiệm ứng xử của ông bà, cha mẹ được truyền lại trực tiếp cho cháu con giúp cho sự bảo tồn văn hóa được liên tục.

Còn ở gia đình hạt nhân, do chỉ có cha mẹ với con cái, trong khi cha mẹ còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, lại ham kiếm tiền, khiến cho việc gìn giữ, bảo vệ tổ ấm gia đình cũng bị hạn chế nhiều.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến việc khoán trắng chuyện nuôi dạy con cái cho bảo mẫu, cho người giúp việc, cho gia sư, cho nhà trường… Nhất là ở các trung tâm công nghiệp, các khu đô thị lớn, nơi cơ sở trường lớp chưa đủ, giáo viên chưa có kỹ năng và cả đạo đức nghề nghiệp thì tình trạng này càng phổ biến nên đã nảy sinh nhiều hệ lụy.

Chưa hết, con cái lớn lên mà không được giáo dục văn hóa dân tộc và truyền thống gia đình một cách chu đáo thì sẽ mất gốc, trở thành mối nguy cơ lớn cho xã hội.

Đây là điều mà không chỉ Việt Nam mà cả thế giới lo lắng và đó cũng là một trong những lý do mà Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/6 hàng năm làm “Ngày Gia đình Việt Nam”.

Tại sao cấu trúc gia đình truyền thống lại bị phá vỡ, thưa Giáo sư?

GS. TSKH Trần Ngọc Thêm: Lí do chính khiến cấu trúc gia đình truyền thống bị phá vỡ là do mâu thuẫn trong quá trình chuyển đổi mô hình văn hóa gây ra. Văn hóa truyền thống của chúng ta là văn hóa làng xã tiểu nông đã ổn định từ mấy nghìn năm nay. Mô hình gia đình của Việt Nam trước đây là sự kết hợp của truyền thống văn hóa gia đình Đông Nam Á với Nho giáo. Nhưng từ đầu thế kỉ 20, văn hóa phương Tây du nhập mạnh đã tạo ra độ vênh nhất định. Từ giữa thế kỉ 20 đến nay, khi chúng ta chuyển hướng từ nông thôn sang đô thị, từ nông nghiệp sang công nghiệp thì độ vênh càng lớn hơn, văn hóa và cấu trúc gia đình truyền thống đã bị phá vỡ, nhiều giá trị thay đổi 180 độ. Chẳng hạn, trước đây chúng ta coi trọng yếu tố tinh thần nhiều hơn, thì nay dường như là ngược lại, đồng tiền đang chi phối ngày một mạnh mẽ toàn bộ xã hội. Gia đình không những không làm tròn được chức năng giáo dục văn hóa truyền thống và các giá trị sống cho lớp trẻ mà trong nhiều trường hợp, tâm lý đề cao vật chất, sùng ngoại, ích kỷ của cha mẹ đã làm cho con em chúng ta bị mất phương hướng.

Xin Giáo sư chỉ ra những bất cập trong vấn đề gia đình hiện nay?

GS. TSKH Trần Ngọc Thêm: Gia đình có ba chức năng chính là chức năng sinh học, chức năng kinh tế và chức năng văn hóa thì cả ba đều có vấn đề.

Trong việc thực hiện chức năng sinh học là bảo tồn nòi giống, gia đình và xã hội đang gặp phải những mâu thuẫn nan giải: trong khi những thành tựu của y dược học giúp giảm tỷ lệ tử vong thì cũng đồng thời góp phần khiến cho dân số tăng nhanh và làm mất đi khả năng chọn lọc tự nhiên. Bên cạnh đó, việc khống chế tỉ lệ tăng dân số thì chạy theo số lượng mà chưa chú trọng thỏa đáng đến chất lượng. Việc khống chế chủ yếu nhằm vào khu vực có cuộc sống tốt, có thể nuôi dạy con cái tốt, trong khi ở khu vực không có khả năng đó thì lại thả nổi. Tình trạng bất hợp lý này tạo ra những nguy cơ đáng lo ngại cho nòi giống của chúng ta.

Trong việc thực hiện chức năng kinh tế, trong một số gia đình xuất hiện xu hướng chia tách, chồng có tài khoản riêng, vợ tài khoản riêng, kinh tế gia đình không còn thống nhất như xưa.

Trong việc thực hiện chức năng bảo tồn văn hóa, gia đình hạt nhân hiện nay có độ tự do rất lớn nhưng khả năng bảo tồn văn hóa thì rất kém. Nhiều ông bố, bà mẹ trẻ không quan tâm nhiều đến vấn đề ứng xử có văn hóa thì không thể nào nuôi dạy được con cái sống có văn hóa. Theo tôi, chức năng bảo tồn văn hóa của gia đình thực sự là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Vậy theo Giáo sư, cần làm gì để gìn giữ gia đình trong bối cảnh hiện nay?

GS. TSKH Trần Ngọc Thêm: Theo số liệu thống kê, việc ly thân, ly hôn xảy ra bởi ba lý do chủ yếu sau: Mâu thuẫn về lối sống chiếm khoảng 30%; ngoại tình chiếm 25%; lý do kinh tế chiếm 13% và còn lại là những lý do khác.

Cả ba trường hợp đều có liên quan đến một trong số những nguyên nhân chung là do chúng ta chưa ý thức được rõ sự khác biệt về giới giữa nam và nữ. Ví dụ, các bà vợ thường hay cằn nhằn về việc chồng mình thích giao du, nhậu nhẹt, ham của lạ, dễ sa ngã…; còn các ông chồng thường bất bình về việc các bà ra đường thì trang điểm gọn gàng, trong khi về nhà thì luộm thuộm, hay “thù dai nhớ lâu”, lắm lời, hay đàn đúm “buôn dưa lê”… Tất cả những điều đó đều không sai, và đều có liên quan đến sự khác biệt về giới: đàn ông mạnh mẽ, ưa vận động, thích thay đổi, hướng ngoại, ưa sự rạch ròi, thích hợp với những công việc nặng; trong khi đó, phụ nữ mềm mại, ưa ổn định, hướng nội, thích sự tế nhị, ý tứ, thích hợp với những công việc nhẹ nhàng hơn…

Cho nên, để giữ gìn quan hệ gia đình, nhất là gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, cả hai giới cần nhận thức và khai thác tối đa thế mạnh của mỗi bên; chấp nhận sự khác biệt và coi sự khác biệt là tất yếu thì mới có thể chung sống với nhau bình thường, hạnh phúc.

Tôi cho rằng để giải quyết mọi mâu thuẫn gia đình thì phải có sự hiểu biết để hiểu tâm lý, tính cách của bạn đời; có lòng bao dung để chấp nhận chung sống với sự khác biệt chứ không tham vọng “thuần dưỡng” chồng/vợ theo khuôn mẫu của mình, không lấy mình làm chuẩn mà đòi hỏi người kia phải sửa đổi để giống hệt như mình; khi xảy ra xung đột thì phải có tinh thần hợp tác, cầu thị, cố gắng tìm ra cái sai ở mình và cái đúng ở người bạn đời của mình.

Nếu được như vậy, mọi mâu thuẫn dù là về lối sống hay kinh tế, ngoại tình… thì cũng đều có thể được giải quyết ổn thỏa, làm gương tốt cho việc giáo dục con cái, giữ gìn được hạnh phúc gia đình.